Cải cách Kiến Văn

Cải cách Kiến Văn (chữ Hán: 建文改制, Kiến Văn cải chế) là những cải cách do Kiến Văn đế Chu Doãn Văn cùng các danh thần như Tề Thái, Phương Hiếu Nhụ (hay Hiếu Nho) tiến hành, chủ yếu nhằm vào việc thay đổi chính sách trọng võ khinh văn dưới thời Hồng Vũ đế, đề cao tầng lớp văn nhân, đồng thời tước bỏ thế lực ngoại phiên để tập trung quyền lực về trung ương. Dưới ảnh hưởng của Phương Hiếu Nhụ, Kiến Văn đế bãi bỏ chính sách cai trị hà khắc của Hồng Vũ đế, giảm tô thuế cho người dân Giang Chiết, mở đường ngôn lộ, tích cực tiếp nhận lời can ngăn; đồng thời dưới chủ trương của Tề Thái, Hoàng Tử Trừng, thực thi chính sách tước phiên. Các cải cách của Kiến Văn chủ yếu dựa theo mô hình thời cổ xưa, trên lý thuyết thì rất lý tưởng song về thực tế khó có thể thực thi được[1]. Ngay từ khi kế vị, vua Kiến Văn đã ban hành "Duy tân chi chánh", với hi vọng lập ra cho Minh triều một thời đại thịnh vượng tương tự như "Ung Hy chi thịnh" đời nhà Tống.[2]. Sau khi nắm quyền lại triệu Phương Hiếu Nhụ từ Hán Trung, làm Thị giảng Viện Hàn lâm; tháng 6 năm đó lại lấy Tề Thái làm Thượng thư bộ Binh, Hoàng Tử Trừng làm Thái thượng tự khanh, tham dự vào quốc sự [3]. Trong bốn năm tại vị, đã ban hành rất nhiều chính sách cải cách nhưng chủ yếu chỉ nhắm vào quyền lợi của giới nho sĩ, nhưng đến cuối cùng đã thất bại trong chính sách tước phiên, dẫn đến kết cục Yến vương tạo phản, vương triều Kiến Văn vì thế mà diệt vong[4]